Cách điều trị viêm môi
1. Viêm môi là gì? Nguyên nhân của bệnh viêm môi?
- Viêm môi là bệnh bệnh lý ngoài da phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng viêm cấp hoặc mạn tính ở môi. Triệu chứng chủ yếu là sưng, đỏ, nứt, đóng vảy, đau, teo, ngứa tại môi,... tổn thương viêm khu trú trong viền môi hoặc lan ra ngoài viền môi.
- Viêm môi có thể do nhiều nguyên nhân nguyên phát tại chỗ, hoặc thứ phát do các bệnh lý toàn thân như: lupus ban đỏ hệ thống, bệnh bọng nước do tự miễn dịch, do suy dinh dưỡng hay các bệnh lý ác tính (sarcoidosis).
Cơ chế sinh bệnh của viêm môi nguyên phát tương đối phức tạp và do nhiều nguyên nhân nguyên gây ra, bao gồm:
- Do ánh sáng: Tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với ánh nắng mặt trời làm tổn thương lớp mô bên ngoài mô. Nam giới có tỷ lệ mắc gấp 3 lần nữ giới, người da trắng có tỷ lệ mắc cao hơn. Ngoài ra, thói quen ăn trầu, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ viêm môi do ánh sáng.
- Viêm da tiếp xúc: Môi tiếp xúc với các chất kích thích hoặc các chất gây dị ứng; các tác nhân thường gặp như: mỹ phẩm, kem đánh răng, nước súc miệng, chỉ nha khoa, các chất tạo mùi tạo màu trong thực phẩm, một số loại thức ăn,...
- Viêm môi nhiễm trùng: thường do virus (HSV, HPV, varicella zoster virus), vi khuẩn vùng răng miệng (săng giang mai, tụ cầu vàng, liên cầu), ký sinh trùng leishmania, nhiễm nấm (candida).
- Bệnh lý toàn thân ở da: xuất hiện viêm môi ở bệnh nhân có bệnh lý viêm da cơ địa như chàm, vẩy nến,...
2. Các dạng viêm môi thường gặp
- Viêm môi tiếp xúc: triệu chứng hay gặp là ngứa ngáy, đỏ, sưng phù, khó chịu vùng môi, xuất hiện các nốt đỏ, có bọng nước nhỏ quanh mép môi, có thể gây viêm loét.
- Viêm môi nhiễm trùng: gây viêm môi chủ yếu ở vùng mép, có thể cấp tính hoặc mạn tính với triệu chứng phù nề, sưng đỏ, đau, vết nứt ở mép môi, bong vảy và ngứa.
- Viêm môi ánh sáng: thường gặp ở môi dưới, khô dai dẳng, nứt nẻ, da môi đóng vảy, nhám, dày sừng. Viêm môi ánh sáng có thể là tiền triệu của các bệnh lý ung thư da.
- Viêm môi u hạt: biểu hiện giống với phản ứng quá mẫn chậm, thường gặp ở vùng miệng - mặt. Giai đoạn đầu, xuất hiện u hạt nhỏ ở môi (thường gặp ở môi dưới), u mềm, không đau; sau đó trở nên chắc, dày nhưng cũng không gây đau.
- Viêm môi bong vảy: môi khô, đóng vảy, bong tróc diễn ra nhanh, thường xuyên do thói quen liếm môi, cắn môi hoặc bệnh nhân có một số rối loạn tâm lý.
- Viêm môi lành tính hay viêm môi xâm nhập tương bào: môi thường xuyên sưng đỏ, đau rát nhưng không có tổn thương loét, nhiễm trùng. Bệnh không xác định rõ nguyên nhân, chỉ âm thầm xuất hiện thành từng đợt.
- Viêm môi mạn tính: hiếm gặp hơn, hay gặp ở môi dưới kèm theo tình trạng viêm tuyến dầu hay tuyến nước bọt, gây đau, dính và rát môi.
3. Biện pháp điều trị viêm môi
Vậy khi bị viêm môi phải làm sao? Việc điều trị viêm môi bao gồm cả điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây bệnh:
Không dùng thuốc
- Loại bỏ các yếu tố nguyên nhân gây viêm, tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng, chất kích thích, các loại thực phẩm nhiều chất tạo màu tạo mùi,... Nếu làm việc thường xuyên dưới ánh sáng mặt trời nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm cho môi, kem chống nắng, đeo khẩu trang, đội nón rộng vành.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt, không liếm môi, cắn môi hay rửa môi quá nhiều làm bong tróc lớp niêm mạc môi. Uống nước bằng ống hút để bảo vệ môi trước các loại thức uống làm bong lớp bảo vệ môi gây tổn thương môi.
- Uống nước nhiều, tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin, rau xanh để có làn da môi khỏe đẹp, bảo vệ môi khỏi các kích thích xấu bên ngoài.
- Bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống nhiều rượu bia, tránh sử dụng các loại mỹ phẩm có thành phần làm mỏng da. Có biện pháp chống nắng cẩn thận khi dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch và thuốc kháng viêm.
- Khi tình trạng viêm môi xảy ra thường xuyên với các triệu chứng viêm loét kéo dài thì cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và xử trí.
Dùng thuốc
- Dùng các thuốc dưỡng ẩm mupirocin, tacrolimus trong các trường hợp khô môi, môi bong tróc. Các trường hợp viêm môi cấp tính có thể lành lại sau vài ngày nếu tuân thủ dưỡng ẩm và tránh tiếp xúc với tác nhân kích thích.
- Điều trị corticoid tại chỗ, các thuốc kháng histamin để giải quyết triệu chứng ngứa rát, bong tróc môi.
- Các trường hợp Viêm môi do nấm sử dụng kem bôi trị nấm Miconazole hoặc Clotrimazole 2 lần/ngày, dùng trong 1 - 3 tuần; có thể kéo dài hơn theo chỉ định của bác sĩ.
- Viêm môi do nhiễm khuẩn có thể sử dụng các kháng sinh bôi Mupirocin, Fucidin.
- Nếu tình trạng viêm môi nặng nề gây đau rát có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau đường uống như Diclofenac, Paracetamol,...
- Ngoài ra, chiếu laser, sử dụng dòng điện để loại bỏ vảy da bất thường (electrocautery) hay dùng các thuốc ức chế calcineurin cũng là biện pháp điều trị ở những bệnh nhân viêm môi nặng, chưa xác định được nguyên nhân.
- Điều trị nguyên nhân ở những bệnh nhân có các bệnh lý toàn thân (lupus ban đỏ, bệnh Crohn,...), điều trị các rối loạn tâm lý, các bệnh lý tuyến nước bọt.
Tóm lại, viêm môi là một bệnh lý lành tính thường gặp, bệnh có thể tự khỏi nếu thay đổi một số thói quen sinh hoạt và làm việc. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm môi nặng nề, xảy ra liên tục thì cần được sự chẩn đoán và xử trí kịp thời của bác sĩ.