Cách chăm sóc môi sau phun xăm để tránh bị nhiễm trùng
1. Những vấn đề thường gặp sau phun xăm môi
Môi là vùng tương đối nhạy cảm và dễ tổn thương, dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài như bụi bẩn, ánh nắng, vi khuẩn, virus hay các va chạm đời thường... Ngay cả các kỹ thuật phun xăm dù chỉ tác động nông trên bề mặt nhưng cũng sẽ gây những tổn thương nhất định. Tình trạng và mức độ tổn thương còn phụ thuộc vào tay nghề và kỹ thuật của người làm phun xăm.
Một số vấn đề có thể xảy ra sau khi phun xăm môi có thể kể đến như:
- Sưng, nề và đỏ vùng môi. Mức độ sưng nề tùy thuộc vào cơ địa và độ nhạy cảm của từng người.
- Cảm giác châm chích, có thể hơi đau rát ở vùng môi.
- Bong tróc, ngứa nhẹ
- Cảm giác khô môi trong vòng 2 tuần sau phun xăm môi.
- Nhiễm trùng tại chỗ sau phun xăm môi, có khá nhiều trường hợp bị herpes sau làm môi.
- Bị dị ứng với mực xăm.
- Một vài trường hợp, do không đảm bảo các yếu tố vô trùng khi thực hiện phun xăm, dẫn đến tình trạng bị nhiễm các bệnh lý lây truyền sau phun xăm như HIV, viêm gan B, giang mai...
2. Cách chăm sóc môi sau phun xăm để tránh bị nhiễm trùng
Theo các bác sĩ chuyên khoa về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, chăm sóc môi sau phun xăm là một trong những yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc phun hay xăm môi.
Việc chăm sóc môi sau phun hay sau xăm còn liên quan đến vấn đề thời gian. Ở mỗi giai đoạn, sự chăm sóc là khác nhau. Cụ thể:
Giai đoạn 2 - 3 ngày đầu, ngay sau khi mới phun xăm
Ở giai đoạn này, vệ sinh môi là vấn đề quan trọng. Việc vệ sinh vùng môi không tốt và không đúng cách có thể gây nên các vấn đề về viêm nhiễm, làm giảm hiệu quả phun xăm và tăng nguy cơ bị các tác dụng phụ.
Cách vệ sinh môi sau phun xăm:
- Chuẩn bị: bông y tế hoặc bông tẩy trang sạch, dung dịch nước muối NaCl 0,9% ấm.
- Cách thực hiện: thấm nước muối ấm vào bông tẩy trang hoặc bông y tế rồi lau nhẹ nhàng lên vùng môi rồi sử dụng miếng bông khác để thấm cho khô môi. Lưu ý không lau môi quá mạnh vì sẽ gây sưng nề hơn, đau rát hơn.
- Tần suất thực hiện: khuyến cáo nên làm sạch môi khoảng 2 đến 3 lần mỗi ngày.
Ngoài ra bạn cần chú ý:
- Nếu thấy có dịch ra ở môi thì dùng bông sạch thấm.
- Hạn chế tiếp xúc môi với nước, nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì hãy nhẹ nhàng.
- Không lấy tay sờ lên môi thường xuyên.
- Đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để không bị nhiễm vi khuẩn, bụi bẩn vào vùng môi.
- Kết hợp chườm đá quanh môi để giảm tím và giảm sưng đau. Khi chườm nên cách một lớp vải mỏng, không áp sát đá trực tiếp lên môi vì có thể gây bỏng lạnh.
- Nên hạn chế ăn các đồ ăn mặn, đặc biệt có nước mắm vì sẽ làm tăng tình trạng đau, sưng nề môi.
Giai đoạn từ 5 ngày đến 7 ngày sau phun xăm
- Vẫn tiếp tục làm sạch môi đều đặn mỗi ngày.
- Chườm đá hoặc sử dụng khăn lạnh nếu còn đau còn sưng.
- Không đánh son, không make up có trang điểm môi.
- Không tẩy da chết vùng môi, tránh tiếp xúc với các hoạt chất có tính tẩy rửa, điều này sẽ làm tăng tổn thương cho môi, giảm hiệu quả không được màu môi như ý và tăng tình trạng sưng nề.
- Không ăn những món ăn dễ gây dị ứng hay thâm môi như thịt bò, thịt chó, hải sản, mắm tôm... và các đồ ăn cay nóng.
- Nên ăn những loại thực phẩm ít dầu mỡ, được chế biến mềm để không ảnh hưởng đến môi.
- Uống nhiều nước mỗi ngày, tối thiểu 2 lít/ngày.
- Nên sử dụng một số loại dưỡng ẩm chuyên dụng hay thoa thuốc mỡ dành cho môi để kích thích nhanh lành tổn thương.
- Một trong những điều đáng lưu ý là những ngày đầu mới phun môi không nên hôn môi hay quan hệ tình dục đường miệng.
Giai đoạn khi môi bong và sau bong
Thông thường, sau phun xăm môi khoảng 7 ngày thì sẽ bắt đầu có hiện tượng bong nhẹ ở vùng môi. Ở giai đoạn này, mực xăm cùng dần dần ổn định và màu môi sẽ lên đúng màu, lên chuẩn hơn.
Chăm sóc ở giai đoạn này cần chú ý:
- Khi có hiện tượng bong vảy, nên để vảy bong tự nhiên, không dùng tay để cạy, không sử dụng các đồ dùng chà xát vào môi để nhanh bong vảy.
- Có thể sử dụng các loại tẩy da chết nhẹ nhàng, nên dùng các loại dạng gel hay kem mịn để giảm ma sát, không nên dùng các loại dạng hạt, vì dễ gây tổn thương.
- Vẫn tiếp tục duy trì chế độ ăn như giai đoạn trước bong.
- Bôi dưỡng ẩm, dầu dừa có thể kích thích môi bong nhanh hơn mà không gây khô môi, cũng không ảnh hưởng đến màu môi.
- Sau khi môi bong hết, có thể dùng kem như vaseline để giữ ẩm và bảo vệ lớp biểu mô vùng môi, hoặc sử dụng một số loại tinh dầu tự nhiên như dầu dừa, hạn nhân, trà xanh... Nếu có nguy cơ bị viêm nhiễm thì cần sử dụng kháng sinh dạng thuốc mỡ bôi ngoài da.
Cách chăm sóc môi sau xăm, phun khoảng 30 ngày
Theo kinh nghiệm từ những người chuyên làm về phun xăm môi, giai đoạn 1 tháng sau phun xăm sẽ là thời gian mà môi ổn định, lên màu thật và đẹp nhất. Để không bị khô môi và giữ được màu lâu, khi chăm sóc cần lưu ý:
- Dùng tẩy tế bào chết môi mỗi tuần 1 lần.
- Duy trì đều đặn việc dùng dưỡng cho môi hàng ngày.
- Không nên to son vì son sẽ làm cho môi nhanh bị khô.
- Quan sát màu môi sau 1 tháng, nếu cảm thấy chưa ưng có thể dặm sửa lại màu.
- Hạn chế sử dụng rượu bia và cách chất kích thích khác.
- Không ăn hay uống các loại thực phẩm có màu đậm, vì sẽ làm ảnh hưởng đến màu môi sau phun xăm.
- Uống đủ nước.
Nói chung, phun xăm môi là dịch vụ làm đẹp tương đối an toàn nếu như làm đúng quy trình, đúng kỹ thuật và đảm bảo các vấn đề về vô trùng. Hiệu quả của việc phun xăm môi không chỉ phụ thuộc vào tay nghề người thợ, kỹ thuật phun xăm, loại mực mà còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người và cả vấn đề chăm sóc môi sau phun xăm môi. Hãy tìm hiểu để biết cách chăm sóc môi sau xăm, phun để đảm bảo an toàn và có hiệu quả lên màu đẹp nhất.